Chẳng ai sinh ra đã có tên. Mọi người đều vô danh khi mới lọt lòng. Tuy nhiên, tên gọi có chức năng xã hội, muốn gọi ai đó mà không có tên thì thật khó, thế là ta được đặt tên. Ta đặt tên để mọi người có thể nhận ra ta.
Đó là một chức năng xã hội. Và nếu ta dùng tên để nhận diện mình thì sẽ dễ gây hiểu lầm - chúng ta đang gọi mình hay người khác? Vậy nên, để tránh hiểu lầm, chúng ta gọi mình là "tôi". "Tôi" là chức danh để gọi chính mình, còn tên là để gọi người khác.
Nhưng cả hai đều là tưởng tượng, là những chức danh xã hội mà thôi. Và chúng ta xây dựng cuộc đời mình quanh hai chức danh này, nhưng chúng chỉ là hai từ ngữ, hai cái nhãn không hơn không kém. Chúng không chứa đựng gì bên trong, không sự thật, không nội dung, không tính chất.... Chúng chỉ là những cái tên, cái nhãn mác gắn lên ta.
Một lần nọ, một hiểu lầm tương tự đã xảy ra. Có một cô bé tên Alice, cô bị lạc vào một xứ sở thần tiên với đầy những điều kỳ lạ. Khi cô đến gặp nữ hoàng của xứ thần tiên, nữ hoàng hỏi Alice:
- Con có gặp ai trên đường đến đây không?"
Alice trả lời: "Không ai."
Nhưng nữ hoàng lại nghĩ Alice gặp một người nào đó tên là "Không Ai", và ảo tưởng này lại trở nên càng lớn hơn khi nữ hoàng gặp người đưa thư của mình và cũng hỏi anh ta rằng có gặp ai trên đường đến đó không. Anh cũng lại bảo: "Không ai"
Nữ hoàng ngạc nhiên: "Thật là kỳ lạ!" Bà nghĩ rằng một người tên "không ai" đã gặp cả Alice và người đưa thư, nên bà bảo anh ta: "Hình như Không Ai đi chậm hơn anh thì phải."
Câu nói đó có hai nghĩa. Một trong số đó nghĩa là không có ai đi chậm hơn người đưa thư cả. Anh thảng thốt và thấy sợ, vì một người đưa thư thì phải đi thật thanh. Thế nên anh bảo: "Đâu có! Không ai đi nhanh hơn tôi mà!"
Nữ hoàng bảo: "Trường hợp này thật là khó hiểu! Anh bảo là Không Ai đi nhanh hơn anh, nhưng nếu Không Ai đi nhanh hơn anh thì đáng lẽ anh ta phải đến trước anh và do đó ta phải gặp anh ta trước anh chứ!" Giờ thì người đưa thư mới nhận ra là nữ hoàng hiểu lầm. Anh nói: "Không ai là không ai cơ mà!"
Nữ hoàng nói: "Ta biết Không Ai là Không Ai. Nhưng đó là ai cơ chứ? Nói mau! Đáng lẽ người đó đã tới trước anh rồi chứ. Anh ta đâu rồi?"
Đối với con người, những hiểu lầm như thế cũng thường xảy ra. Mọi cái tên thực chất đều là "không ai" cả. Chẳng tên nào có nghĩa lý gì hơn thế. Tất cả chữ "tôi" cũng vậy, không là ai cả. Nhưng vì hiểu lầm do ngôn ngữ, một ảo tưởng được dựng nên rằng tôi là một ai đó tách biệt. Tôi có tên.
Rồi con người chết đi, họ lại khắc tên mình trên bia đá, hằng mong đá sẽ còn lưu truyền lại tên mình mãi mãi. Không biết đá có tồn tại được vĩnh hằng hay không, nhưng tất cả cát trên bãi biển kia đều đã từng một thời là đá. Rồi tất cả đá đều sẽ trở thành cát.
Dù bạn viết tên mình lên cát hay lên đá thì cũng đều như nhau thôi. Trong câu chuyện nhân thế dài thăm thẳm này thì cát và đá có khác gì mấy. Trẻ con viết tên chúng trên cát bên bờ biển, có lẽ chúng nghĩ ngày mai người ta sẽ đi ngang và nhìn thấy tên chúng viết trên đó. Nhưng sóng biển ùa đến và xóa tan tất cả trên bờ cát - rồi thì người lớn cười chúng và bảo: "Cháu thật ngốc, chẳng có nghĩa lý gì với những cái tên viết trên cát cả!"
Nhưng rồi chính họ, những người lớn tuổi ấy, lại viết tên mình lên đá và họ không biết rằng đá sẽ biến thành cát. Chẳng có gì khác giữa người lớn và trẻ nít. Về mặt ngu muội, chúng ta đều cùng tuổi mà thôi.
Nguồn: OSHO
Bài viết gần đây
Về mặt ngu muội, chúng ta đều cùng tuổi mà thôi
Wednesday, 15 July 2009
Posted In hư không, lá rụng về cội | |