Giấc ngủ trẻ thơ bình yên quá. Đau thương nào cuốn xoáy được em. Giông tố nào nhận chìm được em.Có khi nào giật mình nhớ lại ngày xưa... ta để nỗi buồn trôi đi thật nhẹ nhàng như thế nào...
Keng chuông, ngựa gỗ, rồng rắn lên mây...
Mải mê những trò chơi xóm nhỏ, em lạc mất giờ về
Phố lên đèn nhá nhem bóng tối
Dịu dàng mà nóng ran lời mẹ gọi
Ba lằn roi sâu cho nhớ phép nhà...
Và ức lắm nỗi niềm thơ bé
Đêm thở sâu tiếng thút thít khôn nguôi
Em lả đi trong hồn nhiên giấc ngủ
Sớm mai thức dậy nỗi buồn tan biến rồi...
(...)
Ừ, khi đau thương sao không làm một đứa trẻ? Quên nước mắt để đổi lấy nụ cười. Trẻ thơ như thế đấy, hồn nhiên, vô ưu và chân thật. Khi đau, dù về tinh thần hay thể xác, chúng sẽ khóc. Khóc thật tự nhiên, không cần kìm nén, không cần e ngại, chỉ đơn giản là khóc. Và sau đó ngủ một giấc thật ngon, để rồi khi tỉnh dậy, những buồn đau đã được gột rửa sạch sẽ ra khỏi tâm trí.
Chúng khóc để rồi cười. Còn chúng ta lại cười để giấu đi nước mắt. Để ngăn cho nó không tuôn ra. Chúng tìm quên trong giấc ngủ. Còn chúng ta cứ cố quên trong thức tỉnh và lý trí.
Khi lớn lên, con người ta chỉ biết chạy trốn nỗi đau, nhưng càng chạy chỉ mãi chạy trong vòng luẩn quẩn. Trẻ thơ có một công cụ thật lợi hại mà người lớn dường như để mất: chúng biết quên. Chúng quên hôm qua bị điểm kém đã buồn thế nào để rồi hôm nay tiếp tục tung tăng cắp sách đến trường trong niềm vui được lĩnh hội những kiến thức thức mới. Chúng quên đứa bạn cùng bàn đã nói xấu chúng như thế nào để rồi giờ ra chơi hôm đó vẫn đuổi bắt nhau và đùa giỡn ầm ĩ trong trò cá sấu lên bờ.
Chúng quên những thứ cần quên, để tìm được bình yên tâm hồn. Còn chúng ta, cứ tự giày vò mình bằng những quá khứ mục nát cần vứt bỏ.
Đừng để quá muộn để học cách quên.
Bài viết gần đây
Trong đau thương sao không trở lại thời thơ ấu?
Tuesday, 21 October 2008
Posted In tôi-miên-man, trẻ thơ | |