Có một thế giới đầy những thù hằn và phản kháng. Có một thế giới mệt mỏi rệu rạo với những tiếng kêu than hờn tức và tuyệt vọng. Người ta châm chọc, người ta đả kích, người ta chống phá… Chúng ta chỉ biết trách người mẹ không biết dạy dỗ con nên người mà quên mất rằng chính người mẹ cũng có được dạy dỗ đàng hoàng đâu. Chính người mẹ cũng bị xã hội ngược đãi và dạy những điều mà sau này bà dạy lại đứa con mình thôi, nói cách khác chính xã hội đã gián tiếp tạo nên đứa con hư hỏng đó để rồi quay lại trách cứ nó và cả người mẹ tạo ra nó, có khác gì đang chê trách chính mình? Tự kiểm điểm bản thân là một việc làm tốt – nếu đây là một biện minh cho hành động đó - nhưng phê phán trên cơ sở xây dựng, phải mang tính xây dựng chứ không phải phá hủy.
Nhưng nó lại mâu thuẫn chính nó: Không vấn đề nào có thể được cải thiện bằng cách phê phán suông. Phê phán chỉ là bước trung gian để đạt đến mục đích sau cùng là vấn đề được cải thiện, nhưng nhiều người quá đắm chìm trong bước trung gian này đến nỗi quên hết tất cả, chỉ nhắm mắt lao đầu vào nó mà không nhớ gì đến cái mục đích tối cao kia.
Bạn nói phê bình phải mang tính xây dựng sao? Thế nào là mang tính xây dựng? Và thế nào là có tính phá hủy? Với lại, chẳng phải chúng ta phải phá hủy cái xấu đề xây dựng cái tốt sao? Vậy thì phá hủy có gì không tốt, quan trọng là chúng ta phá hủy cái gì thôi, cái xấu thì phải loại trừ chứ.
Để tôi nhắc lại bài triết lý cũ nhé. Một ly nước có nửa số nước trong đó, anh sẽ gọi là ly nửa đầy hay nửa vơi? Khi anh thấy một ly nước nửa đầy, anh sẽ có xu hướng chế thêm nước vào cho đầy ly. Khi anh thấy ly nước nửa vơi, anh sẽ có xung hướng đổ bớt nước ra cho cạn ly. Nhưng ly nước thì vẫn là nó. Anh thấy nó nửa đầy hay nửa vơi thì nó cũng vẫn có 1 phần nước và 1 phần không khí, chỉ khác là tiếp theo nó sẽ vơi đi hay đầy thêm qua hành động của anh thôi.
Chính anh cũng biết rằng chúng ta phải phá hủy cái xấu để xây dựng cái tốt - điều này mới là mục đích tối cao. Thực chất, hai quá trình này là một, nếu ta tách riêng việc phá hủy ra thì nó chẳng mang ý nghĩa gì, vì cứ cho là phá hủy được hết cái xấu – nếu thực sự làm được vậy - thì rốt cuộc còn lại gì? Người ta muốn có gạo ăn thì phải trồng lúa, muốn có đất trồng lúa phải khai hoang, xóa đi bờ bụi, cỏ dại, nhưng sau khi xóa rồi thì phải trồng. Cứ tưởng tượng khai hoang đã đời rồi cứ để vùng đất trống không chẳng làm gì thì có khác gì lúc đầu, thậm chí mảnh đất có vẻ còn “hoang” hơn cả khi chưa khai hoang (!) Khi anh quên mất cái cốt lõi là XÂY DỰNG thì trong đầu anh chỉ còn mớ ý thức hỗn loạn về TÀN PHÁ.
Cái xấu thì phải loại trừ - đúng. Nhưng anh loại trừ bằng cách nào? Căm ghét? Đả kích? Rêu rao? Ca thán? Cái hành động mà anh gọi là “loại trừ cái xấu” đó thực chất chỉ làm cho nó phát triển thêm. Có thực sự hiệu quả mỹ mãn như mong muốn khi người mẹ dạy đứa con đã phạm lỗi bằng cách đánh mắng, chì chiết, phẫn nộ với nó? So với một đứa trẻ được dưỡng dục một cách kiên quyết nhưng vẫn mềm mỏng thì ai sẽ thực sự trưởng thành hơn?
Cứ cho là bạn nói đúng đi, nhưng nếu tôi cứ chọn con đường phá hủy thì sao, tôi vẫn thích cách này hơn và thực ra đó là tôi cũng đang đóng góp gián tiếp cho xã hội vậy, tôi lãnh phần phá hủy còn người khác thì xây dựng. Hơn nữa tôi vẫn sống tốt đấy thôi, có hại gì cho ai đâu, tôi thấy thoải mái nữa là khác.
Như đã nói, hai quá trình đó không thể tách riêng được. Anh không thể tiêu diệt cái xấu mà không đồng thời xây đắp điều tốt. Anh làm sao để xua đi bóng tối? Anh có thể làm bóng tối biến mất mà không đồng thời làm ánh sáng hiện ra không? Vậy đó. Nếu anh chỉ mãi quẩn quanh trong bóng tối thì chỉ thấy hoài bóng tối mà thôi. Cứ mang ánh sáng tới thì bóng tối sẽ tự nhiên tan biến thôi. Anh cứ việc quanh quẩn trong cái phần phá hủy của anh và sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Thay vào đó sao không đi tìm một cây diêm?
Vâng, anh vẫn sống, nhưng có tốt hay không thì còn tùy. Anh nghĩ như vậy là khá thoải mái vì anh được tự do sống theo lối cay nghiệt phê phán, được thỏa thuê phóng túng những gì anh yêu, anh ghét. Không, tôi không đang trách cứ anh hay bất kỳ ai giống anh, vì trên đời vốn không có kẻ đáng trách, chỉ có kẻ đáng thương. Anh đáng thương chính vì lối sống đó của mình, cuộc sống mà chỉ toàn những nghi kỵ, hờn ghét, phẫn nộ, những hằn học, mỉa mai… Cùng một thứ mà người ta tìm được những điểm tốt để trân trọng, yêu thương còn anh thì chỉ bươi móc những mặt xấu xa khiếm khuyết để mà ghét bỏ, căm thù. Anh nghĩ anh đang thoải mái nhưng không phải vậy, anh không được hưởng cái cảm giác ấm áp yên bình, cái niềm cảm động sâu xa tận đáy tim và những tình cảm cao thượng… anh không bao giờ được thụ hưởng cái cảm giác trìu mến đó khi quán chiếu đến thứ anh ghét còn người ta thương, mà thay vào đó chỉ toàn những thù hằn, căm hờn… đang ngày càng bào mòn dần tâm hồn lẫn thể xác anh. Cái thực tại thì vẫn vậy, có thể cả 2 đều đúng, hay cả 2 đều sai. Nhưng giữa người nhìn nó với 2 con mắt đối lập là cả một khoảng cách. Nhớ lại chuyện ly nước…
Anh không hại ai nhưng có giúp được cho ai? Liệu trái tim anh có đủ mềm để rúng động khi nghe tiếng rao yếu ớt của cậu bé bánh bò lạc đi trong đêm mưa lạnh? Hay chỉ có trái tim đanh thép để đao to búa lớn đòi công lý với đời mà bỏ quên những điều bình dị có thể làm được để cống hiến cho xã hội? Cần lắm những tấm lòng dung dị, những đôi tay dang rộng nâng đỡ một bước đi liêu xiêu, những con người không phải suốt ngày hùa nhau căm ghét rồi đả kích bóng tối mà là chịu nhấc bàn tay thắp lên ngọn nến cho bóng tối tan đi.
Bạn nực cười thật, cho dù tôi có phản ánh những mặt xấu xa thì tôi cũng đang nói lên sự thật thôi. SỰ THẬT cần được tôn trọng. Sẽ là giả dối nếu tôi cứ nhắm mắt bịt tai trước bao nhiêu cảnh xấu xa tàn tệ để ra vẻ “cảm giác ấm áp yên bình” khi mà thực chất là toàn bão tố. Với lại, ai cần cái thứ “cảm xúc đầy trìu mến” của mấy người, nó là cái quái gì chứ.
Đúng vậy, anh chẳng bao giờ biết được trạng thái hiện tiền màu nhiệm của yêu thương vì tâm trí hỗn loạn của anh chỉ chứa toàn thù ghét, cũng như anh chẳng biết sức mạnh chuyển hóa kỳ diệu của tâm tưởng vì cuộc sống của anh chỉ là những ván bài may rủi – anh chỉ biết đỗ xúc xắc kiếm sống qua ngày thay vì tìm một việc làm, và điều tệ hại hơn là anh còn biện minh “đó cũng là một việc làm”! Anh phản ánh sự thật bằng cách tha hồ nguyền rủa, căm ghét, vạch lá tìm sâu, đem những thói xấu của nó ra để hùa nhau đâm thọt nó tứ phía cho bõ ghét – và anh coi việc này là “tôn trọng sự thật”. Nếu anh thực sự tôn trọng sự thật thì anh sẽ phản ánh nó một cách xây dựng, dựa vào đó để làm nó tiến triển, chứ không chỉ đả phá nó cho hả giận. Và sở dĩ anh có cách làm trên, cách làm phá hủy thay vì xây dựng, là vì anh nghĩ điều đó sẽ làm cho nó tiến triển (trong khi thực tế là ngược lại) hơn nữa vì đối với anh mọi sự dường như là khách quan, anh nghĩ việc anh có hằn học hay thái độ của anh có ra sao thì cũng chả ảnh hưởng gì đến cái thực tại mà anh ghét bỏ đó. Anh quên mất phàm hành động nào của anh hầu như đều do tâm sinh ra, và nếu hành động quyết định cuộc đời anh thì có khác nào những ý nghĩ hằn học thù ghét đang nhảy nhót trong đầu anh cũng đang quyết định cuộc đời hằn học thù ghét của anh đấy. Còn nhược bằng anh khỏa lấp tâm hồn bằng những cảm nghĩ lành tính thì dĩ nhiên anh sẽ đi về hướng khác. Đúng vậy, anh sẽ chẳng bao giờ biết được “nó là cái quái gì” cho đến khi anh hiểu rằng thứ có thể lái cuộc đời anh về vừng rạng đông, thứ có thể giải quyết các vấn đề bế tắc mà anh đang điên cuồng lao vào, thứ đó không phải là cái nhìn soi mói để chỉ trích, đề thù hằn, mà là... – Nếu đến đây mà anh vẫn chưa tự mình điền vào dấu ba chấm được thì xem như nãy giờ tôi chưa nói gì.
Tóm lại, như anh biết đấy, muốn một tình huống thay đổi thì anh không thể ngồi chì chiết mãi mà phải hành động, và quan trọng là phải hành động mang tính xây dựng, nếu không nó không những không giúp được gì mà còn có thể làm tình hình tồi tệ hơn. Anh không muốn vậy phải không nào? Vậy sao không bắt tay vào hành động thay vì ngồi đó ca cẩm?
Tôi thì làm được gì!
Tức là anh không thể làm gì ngoài việc ngồi chì chiết? Anh không làm gì để xây thì cũng đâu cần phá. Đó là nói vậy thôi, chứ tôi biết anh hoàn toàn có thể, chỉ là anh mang nặng lối tư duy hủy hoại kia nên không nhận ra năng lực bản thiện của mình thôi. Đâu cần phải là cái gì lớn lao mới gọi là xây. Một toà nhà to lớn cách mấy cũng bắt đầu từ mỗi viên gạch nhỏ bé. Một chút hành động gây thiện dù nhỏ nhặt cũng đáng qúy hơn triệu lần những lời oán thanh hờn trách. Chỉ cần anh dịu đi ánh nhìn đả kích mà thay bằng tâm xây dựng thì sẽ làm nên điều kỳ diệu thôi.
Thôi được, chẳng phải nãy giờ bạn cũng đang đả kích tôi đấy sao?
Nếu bất kỳ phê phán nào cũng bị coi là tiêu cực, há chẳng phải chúng ta mất đi ý nghĩa của sự xây dựng sao? Phê phán hay phản đối chỉ tốt nếu nó mang lại kết quả có ích. Phê phán sẽ trở thành tàn phá nếu nó không giúp ích được gì hoặc làm tình hình tồi tệ thêm. Tôi không có tham vọng rằng phản đối của tôi sẽ thức tỉnh được anh, tôi biết anh thậm chí có thể tức giận với tôi vì phàm con người ai cũng chỉ thích những người cùng chí hướng, dù cái chí hướng đó có lầm lạc hay ra sao đi nữa. Tôi chỉ muốn gợi nhớ cho anh về một thế giới trong lành mà chúng ta đều đã từng đi qua vào thời thơ bé khi ta còn chưa bị bụi đời ô trược làm nhiễm bẩn tâm tư, để anh nhìn lại vùng đất ánh sáng ấy từ mảnh đất tối tăm cằn cỗi mà anh đang đứng, và khi anh nhìn thấy nó rồi - nếu anh thấy được - thì có bước đến đó không vẫn là quyền của anh.